XUẤT NHẬP KHẨU BONSAI
Năm 2005, nghệ nhân Hoàng Ny chính thức tiếp cận với nghệ thuật bonsai quốc tế khi có dịp sang Ý dự triển lãm về sinh vật cảnh và hàng thủ công mỹ nghệ. Trong chuyến đi này, bà đã kỳ công mang đi 10 cây bonsai mai chiếu thủy. Một trong những sản phẩm bonsai chủ lực này của VN đã gây ấn tượng với giới sinh vật cảnh các nước.
Sau khi tìm được đầu ra, trong một thời gian dài, bà đã xuất khẩu cây kiểng, bonsai sang Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Philippines, và một số nước châu Âu. "Xuất cây kiểng thật ra không lãi bao nhiêu. Mình làm công việc này với mong muốn quảng bá nghệ thuật bonsai Việt đến với người dân các nước nhưng việc này thời gian gần đây có chững lại vì hải quan yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ cây”, nữ nghệ nhân cho biết và trăn trở: "Hầu hết bonsai Việt có xuất xứ từ các nhà vườn, được tạo tác, nuôi dưỡng qua hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nhưng có một thực tế là không phải lúc nào cũng chứng minh được nguồn gốc của nó”.
|
Theo nghệ nhân Hoàng Ny, sau một thời gian tiếp cận với bonsai thế giới, bonsai Việt đã có những bước chuyển mình trong nhận định và có sự thay đổi về phong cách, kiểu hình của bonsai. Các nghệ nhân bắt đầu tạo ra những cây bonsai có hình dáng sáng tạo hơn, gần gũi với tự nhiên hơn, không bị giới hạn trong khuôn mẫu nào. Trong khoảng thời gian 10 - 15 năm gần đây, bên cạnh các kiểu dáng bonsai phổ biến, nghệ nhân bonsai Việt cũng nghiên cứu và tạo tác các thể loại như bonsai có hoa, có trái, non bộ, tiểu cảnh…; đã có những bước tiến dài và tiến lại gần hơn với các tiêu chuẩn của bonsai thế giới.
Nghệ nhân Hoàng Ny kỳ vọng các kỳ triển lãm bonsai quốc tế của Liên đoàn Hữu nghị Bonsai châu Á - Thái Bình Dương sẽ là cơ hội lớn cho bonsai Việt hội nhập thế giới. ABFF được tổ chức và hoạt động phi lợi nhuận. Mục đích và mục tiêu là thúc đẩy bộ môn nghệ thuật sống - bonsai lan tỏa khắp châu Á. Bonsai sẽ được trân trọng và chiêm ngưỡng bởi tất cả mọi người với mọi màu da, chủng tộc, tôn giáo và nguồn gốc quốc gia.
"Mong ước lớn nhất của tôi là mỗi nhà có ít nhất một cây bonsai, một chậu hoa để chơi và thưởng ngoạn, đặc biệt trong những ngày lễ, tết. Những lúc rảnh rỗi thì tự mình chăm hoa, cắt tỉa cây cũng rất thú vị. Nhờ đó nghệ thuật bonsai được trân trọng và chiêm ngưỡng bởi tất cả mọi người’”, nữ đại sứ bonsai quốc tế tâm sự. |