CHĂM SÓC CÂY MAI SAU KHI GHÉP
Ngày đăng: 07/07/2012, 11:12 AMCHĂM SÓC CÂY MAI SAU KHI GHÉP
Sau khi thực hiện xong công việc ghép mắt , cây mai được chăm sóc bình thường. Chỉ lưu ý trong những ngày đầu tiên, hạn chế không để nước xâm nhập vào mắt ghép.
Cho nên sau 2 đến 3 tuần có thể tháo dây, kiểm tra mắt ghép. Nếu mắt ghép có màu xanh bình thường lá tốt. Nếu màu của mắt ghép đen hay khô nghĩa là mắt ghép đã hư, có thể tiến hành ghép lại ở vị trí khác của tược chủ.
Sau khi tháo dây và quan sát thấy mắt ghép đã tiếp hợp tốt, tiến hành cắt bỏ tược chủ ở phía trên vết ghép từ khoảng 1 dến 2 cm, để kích thích cho mắt ghép mọc chồi.
Nếu trời quá nắng gắt, có thể dùng môt chiếc lá ghim vào phía trên của tược chủ vừa cắt để che chắn bớt ánh sáng cho mắt ghép, giúp cho nó khỏi bị khô nhanh do nắng
Trong khi chờ mắt ghép phát triển chồi, vào khoảng 3 đến 4 tuần, thì trong thời gian này các chồi của gốc chủ thường xuất hiện, chúng mọc lên trước và phát triển mạnh. Do đó cần phải diệt sớm những chồi từ cây mẹ này, để không xảy ra sự cạnh tranh giữa chồi chủ và chồi ghép, làm cho chồi ghép phát triển yếu đi hoăc có thể là không phát triển được.
Khi tược ghép đã phát triển được 8 đến 10 lá, có thể bấm đọt, để kích thích các chồi nách bên trong có cơ hội phát triển, tạo nên bộ xương cành chi tiết cho tán lá về sau.
Trong thời gian đầu chồi ghép phát triển mạnh và tốc độ tăng trưởng sinh khối của nó rất lớn, trong lúc đó vết ghép chưa hoàn toàn thành hình và cứng chắc, cho nên thường xảy ra trường hợp cành ghép bị gãy lõi ở ngay vết ghép, do tác động của gió hay nước tưới. Để hạn chế điều này, ngay từ khi tược ghép có 6 đến 8 lá nên cố định nó lại bằng dây nhôm, đồng (hay buộc nó vào một que chống cũng được).
Nhà vườn thường kết hợp việc cố định cành ghép ở giai đoạn này với việc uốn định dạng cho bộ cành trong tương lai. Cành được uốn sửa trong giai đoạn này có lợi là cành vẫn còn non mềm, chưa có lõi gỗ cứng nên dễ uốn, tuy nhiên cũng cần lưu ý , cành cũng rất dễ bị gãy khi uốn do tế bào hãy còn quá non.
Khi tưới nước nên tưới nhẹ hạt trong thời kỳ này, do mối tiếp hợp của cành ghép và cây chủ là chưa hoàn toàn chắc, tưới nặng hạt thường làm nặng trĩu cành, dễ làm gãy tược ghép (cũng như gió mạnh)
Đến lúc bộ lá của cành ghép đã chuyển sang màu xanh sậm, nên bón thêm phân có hàm lượng đạm cao bổ sung cho cây, giúp cho cành ghép có điều kiện phát triển mạnh. Lượng phân bón lúc này nên bón loãng, để không làm xót rễ, vì lúc này rễ cây mai vẫn còn chưa phát triển hoàn toàn.
Cũng nên lưu ý trong thời gian cây đang phát triển chồi non, lá mới, cũng là lúc mà cây dễ bị sâu bệnh tấn công, cho nên cần phải lưu ý phòng trừ sâu bệnh trong giai đoạn này, tránh để cây mất sức do côn trùng chích hút nhựa, dẫn đến cây bị suy yếu về sau.
TRƯỜNG NGHỆ THUẬT BONSAI THANH TÂM